Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (Export Credit Insurance) là gì?

admin 0978392436

Administrator
Staff member
1804

1. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (Export Credit Insurance) là gì?
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (tiếng Anh: Export Credit Insurance) là dịch vụ bảo vệ và bồi thường cho người xuất khẩu khi họ cấp tín dụng thương mại hoặc bảo vệ và bồi thường cho các ngân hàng khi ngân hàng cho vay trung - dài hạn.
2. Đặc điểm

  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu rủi ro cao và khó kiểm soát
  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu không nhằm mục tiêu tạo ra lợi nhuận
Hoạt động quản lí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu có sự tham gia của Chính phủ.
3. Sự khác biệt giữa bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu

  • Bảo lãnh tín dụng xuất khẩu có thể hiểu là một doanh nghiệp nhất định được thành lập bởi chính phủ đảm bảo cho các khoản vay nợ của nhà xuất khẩu hoặc ngân hàng thương mại nước mình cấp cho nhà nhập khẩu hoặc ngân hàng của nước nhập khẩu.
  • Sau này do các doanh nghiệp đứng ra cung cấp dịch vụ bảo lãnh phần lớn là các doanh nghiệp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nên hoạt động bảo lãnh tín dụng xuất khẩu dần trở thành một trong các hoạt động chính của bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
  • Trong quá trình hoạt động, người bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo lãnh 100% cho các ngân hàng thương mại, hay nói cách khác là để khuyến khích các ngân hàng phát hành các khoản vay cho nhà nhập khẩu. Những hoạt động bảo hiểm này đảm bảo khả năng thu hồi vốn của nhà xuất khẩu nên về ý nghĩa nó chính là hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
  • Tuy nhiên, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu thường dùng chung với hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trong các hợp đồng xuất khẩu nên do đó rất khó để phân biệt được chúng.
4. Các loại rủi ro được bảo hiểm
- Rủi ro chính trị là các rủi ro gây ra bởi diễn biến chính trị của Chính phủ của các bên trong hoạt động thương mại đầu tư tài chính quốc tế và nó không phải là lỗi của các bên tham gia hợp đồng.
- Rủi ro thương mại là các rủi ro phát sinh nợ khó đòi cho nhà sản xuất và ngân hàng nhà xuất khẩu gây ra bởi việc mất khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu, hay do sự trì hoãn hoặc từ chối thanh toán các khoản nợ đến hạn có chủ đích của nhà nhập khẩu.
5. Phân loại bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Căn cứ vào thời hạn tín dụng, có:


  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn
  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trung hạn
Căn cứ vào điểm bắt đầu và kết thúc của phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, có:

  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trước khi giao hàng
  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu sau khi giao hàng
Căn cứ theo phạm vi bảo hiểm, có:

  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu toàn diện,
  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu theo từng trường hợp cụ thể,
  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu L/C,
  • Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu theo đơn được chọn.
Căn cứ vào hình thức tài trợ của ngân hàng cho các hoạt động thương mại, có:

  • Bảo hiểm tín dụng cho người bán
  • Bảo hiểm tín dụng cho người mua
Căn cứ vào loại rủi ro được bảo hiểm, có:

  • Bảo hiểm chỉ cho rủi ro chính trị,
  • Bảo hiểm chỉ cho rủi ro thương mại,
  • Bảo hiểm cho cả rủi ro chính trị và thương mại,
  • Bảo hiểm cho rủi ro trao đổi ngoại tệ.
Căn cứ vào mục đích khác nhau của hợp đồng ngoại thương, có:

  • Bảo hiểm cho hàng hóa giữ tại kho ở nước ngoài,
  • Bảo hiểm cho việc gia công ở nước ngoài,
  • Bảo hiểm cho hoạt động triển lãm tại nước ngoài,
  • Bảo hiểm cho hoạt động đầu tư nước ngoài.
6. Vai trò của BHTDXK
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, BHTDXK được coi là một phần không thể thiếu trong các hoạt động xuất nhập khẩu và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế trên cả hai góc độ DN và quốc gia. Về cơ bản, sứ mệnh của BHTDXK là thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của quốc gia ra nước ngoài thông qua việc cung cấp bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm và bảo lãnh đầu tư và các dịch vụ hỗ trợ khác. Cụ thể:

Đối với các doanh nghiệp, BHTDXK thực hiện chức năng bảo vệ tài chính cho nhà xuất khẩu trong trường hợp nhà nhập khẩu mất khả năng thanh toán; tăng khả năng đi vay từ các tổ chức tín dụng để tăng lượng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; tăng khả năng tiếp cận đến thị trường quốc tế và chất lượng của hoạt động xuất khẩu nhờ việc nắm rõ hơn thông tin về nhà nhập khẩu, quốc gia nhập khẩu và thực hiện bảo lãnh các khoản đầu tư ra nước ngoài…

Đối với quốc gia xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ sự phát triển các hoạt động tín dụng xuất khẩu an toàn và có hiệu quả, giải quyết vấn đề thúc đẩy xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu ngoại hối cho nền kinh tế để cải thiện vị thế cán cân thanh toán quốc tế…

Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông- lâm – thủy sản, dệt may…, đồng thời đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển hướng từ hợp đồng mua bán điều kiện FOB sang CIF với tính linh hoạt và tăng sự hấp dẫn của sản phẩm đối với người mua không chỉ thông qua giá cả của hàng hóa mà còn bao gồm các dịch vụ đi kèm: Điều kiện thanh toán linh hoạt, bảo hiểm hàng hóa, trách nhiệm với sản phẩm, do đó, lại càng cần tới hình thức bảo hiểm tín dụng.

Trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu đã đóng vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Xuất khẩu tăng trưởng bao nhiêu thì BHTDXK lại càng trở nên cần thiết và cấp bách để hoạt động xuất khẩu của chúng ta trở nên bền vững hơn.
7. Kiến nghị cơ chế hỗ trợ
Để hoạt động BHTDXK thực sự hỗ trợ cho DN và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, các bộ, ngành liên quan đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp cụ thể hơn cho mô hình này. Bộ Tài chính đã đề nghị các DNBH hoàn thiện quy tắc, điều khoản BHTDXK và triển khai hoạt động này theo nguyên tắc tự nguyện; nhà nước không tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm cho thương nhân.

Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các DNBH thực hiện BHTDXK tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho thương nhân về mô hình này. Tiếp đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi xây dựng chính sách chế độ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu nhà nước hoặc tín dụng thương mại đưa nội dung quy định này trong cơ chế chính sách.

Ngoài ra, để khuyến khích các DN tham gia BHTDXK, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi áp dụng cho các DN theo hướng cho phép các DN nếu tham gia BHTDXK thì không phải trích dự phòng nợ phải thu khó đòi.
 
Last edited:
Bên trên