Bộ Công Thương vào cuộc gỡ khó cho hồ tiêu bị mắc kẹt tại cảng Nepal

admin 0978392436

Administrator
Staff member
Trước vụ việc 58 container hồ tiêu Việt Nam xuất sang Nepal đang bị kẹt tại cảng nước này và ở biên giới Nepal - Ấn Độ, khiến các doanh nghiệp có nguy cơ tổn thất không nhỏ, Bộ Công Thương đã ngay lập tức làm việc với phía Nepal để gỡ khó cho doanh nghiệp Việt.
Thiệt hại vì phát sinh nhiều chi phí

Theo phản ánh của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), hiện đang có 58 container hồ tiêu trị giá khoảng 3 triệu đô la Mỹ của 13 doanh nghiệp Việt Nam đang bị mắc kẹt tại cảng ở Nepal 2 tháng nay. Nói về nguyên nhân hồ tiêu bị kẹt tại cảng, VPA cho biết, do hồ tiêu là 1 trong 5 mặt hàng bị Chính phủ nước này cấm nhập khẩu. Điều đáng nói, các lô hàng này đều đã xuất đi, trước thời điểm lệnh cấm này có hiệu lực, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.






Doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đang lo ngại tổn thất nặng vì hàng bị mắc kẹt tại cảng Nepal. Ảnh minh họa

Đại diện Công ty CP Liên Thành cho biết: doanh nghiệp có 8 container hồ tiêu, trị giá 500.000 đô la Mỹ, đã rời cảng sang Nepal trước ngày 28/3, nên không hề lo lắng, bởi thông tin họ nhận được là lệnh cấm nhập khẩu hồ tiêu của chính phủ nước này có hiệu lực từ ngày 6/4 và không áp dụng cho các lô hàng đã xuất trước ngày 29/3. Tuy nhiên, khi sang đến cảng Nepal, thì toàn bộ số hàng trên đã bị từ chối nhập khẩu và thông quan, buộc phải lưu kho bãi suốt 2 tháng nay, khiến giá trị hàng hóa đã tăng thêm 30 – 35% chi phí lưu kho bãi.

Giống như Liên Thành, Công ty CP TM DV XNK Trân Châu cũng có hàng đang bị kẹt tại cảng Nepal. Theo đại diện doanh nghiệp này, trong vòng 2 tháng qua, doanh nghiệp đã làm đủ mọi cách có thể nhưng chưa thay đổi được tình hình.

Các doanh nghiệp hồ tiêu cho biết, số tiền lưu kho bãi cứ tăng lên từng ngày trong sự bất lực của doanh nghiệp, và hiện đã lên đến cả triệu đô la Mỹ cho 58 container hồ tiêu, một con số không nhỏ với các doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay. Đáng lo hơn là chất lượng của sản phẩm hồ tiêu cũng bị xấu đi từng ngày, bởi điều kiện bảo quản không đảm bảo. “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là làm sao có thể đẩy nhanh quá trình đưa hàng về Việt Nam, với các các quy trình, thủ tục rõ ràng”, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ.

Liên quan đến 58 container hàng đang nằm mắc kẹt tại cảng Birgunj và cảng Kolkata (biên giới giữa Nepal và Ấn Độ) do lệnh cấm bất ngờ của Chính phủ Nepal, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu có hàng bị mắt kẹt đang phải đối mặt với rất nhiều các tổn thất nặng nề như tiền lãi suất quá hạn của ngân hàng, không có vốn để xoay vòng và đặc biệt là gánh nặng chi phí lưu cont, lưu bãi (demurrage/detention) tăng theo cấp số nhân mỗi ngày. Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thì 58 container bị mắc kẹt chủ yếu vận chuyển qua các hãng tàu như: One line, Maersk line, OOCL, RCL và ZIM line…

Gấp rút gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch VPA cho biết đã gửi văn bản lên Bộ Công Thương, trực tiếp là Cục Xuất nhập khẩu, để có trao đổi với các Tham tán ở Nepal và Ấn Độ gỡ khó cho doanh nghiệp. “Hiện doanh nghiệp đề nghị 2 hướng, thứ nhất là thông quan, thì nhà nhập khẩu nhập hàng, trả tiền, nếu không được thì tái xuất về Việt Nam. Thứ hai, khi tái xuất đề nghị các hãng tàu liên quan đến 58 container này giảm tối đa chi phí lưu bãi lưu công”, vị đại diện của VPA cho biết.

Trên thực tế, ngay khi nhận phản ánh về thông tin các lô hàng hồ tiêu bị kẹt tại Nepal, Bộ Công Thương đã gửi công thư tới Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng Nepal đề nghị có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp của Việt Nam. Theo công thư này, Bộ Công Thương đề nghị Nepal cân nhắc cho phép các công hàng hồ tiêu Việt Nam đã tới cảng Nepal được phép nhập khẩu; Tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu Việt Nam có mong muốn được mang hàng quay lại Việt Nam; đồng thời chỉ định một bộ phận chuyên trách của Nepal để thảo luận với bộ phận chuyên trách của Bộ Công Thương Việt Nam nhằm nhanh chóng tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan tới các công hàng nói trên để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp cả hai bên.

Trong quá trình thực hiện giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) họp với Hiệp hội và các nhà nhập khẩu hồ tiêu của Nepal để thuyết phục họ phối hợp, đồng ý ký đơn để các doanh nghiệp của Việt Nam tái xuất các lô hàng. Theo Bộ Công Thương, việc thuyết phục phía Nepal cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi Nepal không có cơ quan đại diện tại Việt Nam và ngược lại (Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm địa bàn Nepal). Đến đầu tháng 7, một vài nhà nhập khẩu Nepal đồng ý ký đơn xin tái xuất và cung cấp chứng từ tái xuất. Dù vậy, để có thể đưa tất cả các công hàng về theo mong muốn của doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phải chủ động thuyết phục đối tác của mình đồng ý ký đơn xin tái xuất.

Từ vụ việc này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với khu vực Nam Á như các thị trường Ấn Độ, Nepal cần có các biện pháp phòng tránh rủi ro. Khi ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp cần thiết phải áp dụng điều kiện thương mại quốc tế nư mở L/C không hủy ngang, đặt cọc trước, tránh sử dụng các phương thức khác có nhiều rủi ro và gây khó khăn trong xử lý tình huống phát sinh như vụ việc hồ tiêu tại Nepal.

Ngày 25/3/2020 Chính phủ Nepal ra lệnh cấm nhập khẩu 5 mặt hàng trong đó có hồ tiêu, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 06/04/2020 và không áp dụng cho LC mở trước ngày 29/03/2020. Mặc dù đã biết được thông tin có lệnh cấm từ Chính phủ Nepal nhưng theo thông báo từ các nhà nhập khẩu Nepal thì lệnh cấm trên chỉ cấm những lô hàng vận chuyển sau ngày 29/03/2020 còn những lô hàng đã xuất trước ngày 29/03/2020 thì chính phủ vẫn cho phép nhập khẩu bình thường. Tuy nhiên, sau khi hàng đến nơi nhà xuất khẩu Việt Nam yêu cầu nhà nhập khẩu thanh toán thì người mua thông báo rằng họ không có giấy phép nhập khẩu từ chính phủ nên ngân hàng Nepal không chấp nhận thanh toán.
Mai Ca
Nguồn Báo Công Thương
https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-vao-cuoc-go-kho-cho-ho-tieu-bi-mac-ket-tai-cang-nepal-140375.html
 
Last edited:
Bên trên